Từ 07/05/2012, Nhật Bản triển khai một chương trình nhập cư đặc biệt qua hệ thống tính điểm dành riêng cho nhân lực chất lượng cao, gọi trong tiếng nhật là koudoujinjai (高度人材), trong tiếng anh là Highly Skilled Foreign Professional (HSP hay HSFP). Đến 01/04/2015, HSP hay HSFP trở thành một loại visa ở Nhật.

Người lao động chất lượng cao có thể nhận loại visa này nếu công việc thuộc 1 trong 3 lĩnh vực sau:

  • Các hoạt động nghiên cứu hàn lâm tiên tiến
  • Các hoạt động chuyên môn/ kỹ thuật tiên tiến
  • Các hoạt động quản lý kinh doanh tiên tiến.

Với các công việc liên quan đến IT nói chung hay lập trình viên, kỹ sư hệ thống nói riêng, nếu đủ điểm sẽ nhận được HSP loại 2 (Các hoạt động chuyên môn/ kỹ thuật tiên tiến)

Những người có visa HSP được hưởng những quyền lợi sau:

  • Có khả năng tham gia vào các hoạt động bao hàm nhiều mục visa khác nhau (ví dụ, người có HSP có khả năng mở một công ty và điều hành các hoạt động kinh doanh có liên quan với tư cách là CEO/ giám đốc đại diện; trong khi vẫn giữ nguyên vai trò đã dùng để đăng ký HSP)
  • Thời hạn của loại visa này là 5 năm
  • Rút ngắn thời gian xin visa vĩnh trú (loại visa vô thời hạn), nếu đạt 70 điểm, bạn có thể xin visa vĩnh trú sau 3 năm làm việc tại Nhật, và 1 năm nếu bạn đạt ít nhất 80 điểm.
  • Rút ngắn các thủ tục di cư (xin visa khác, thay đổi trạng thái visa, làm mới …)
  • Vợ/chồng của người có HSP có thể làm việc toàn thời gian dưới những điều kiện nhất định
  • Có khả năng thuê người giúp việc, người trông trẻ trong nước dưới một vài điều kiện nhất định

Những người có visa vĩnh trú được hưởng những quyền lợi sau:

  • Không giới hạn các hoạt động được tham gia.
  • Không cần làm mới visa.
  • Việc vay tiền tại các ngân hàng của Nhật sẽ dễ dàng hơn.
  • Việc thuê nhà, thuê phòng trọ sẽ dễ dàng hơn vì đối với người Nhật, người có visa vĩnh trú thường đáng tin hơn người có visa giới hạn thời gian.

Để có thể nhận visa HSP, người đăng ký cần có đủ ít nhất 70 điểm trong hệ thống tính điểm được nêu chi tiết trong link sau:

http://www.immi-moj.go.jp/newimmiact_3/en/pdf/171110_point_calculation_forms.pdf

Một số mục điểm mà sinh viên tốt nghiệp các trường kỹ thuật Việt Nam thường nhận được:

  • Với độ tuổi: 15 điểm nếu bạn không trên 29 tuổi, 10 điểm nếu bạn không trên 34 tuổi, 5 điểm nếu bạn không trên 39 tuổi.
  • Về trình độ học vấn: 30 điểm dành cho tiến sĩ, 20 điểm dành cho thạc sĩ, 10 điểm cho sinh viên tốt nghiệp đại học.
  • Về trường đại học: 10 điểm nếu tốt nghiệp một trong các trường: Đại học Việt Nhật, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Bách Khoa tp.HCM, Đại học Công nghiệp tp.HCM.
  • Về khả năng tiếng Nhật: 15 điểm với trình độ N1, 10 điểm với trình độ N2
  • 10 điểm tối đa nếu có các chứng chỉ CNTT được Nhật Bản công nhận như IP, FE, AP,… mỗi chứng chỉ được 5 điểm

Với khung điểm như vậy, một sinh viên Khoa Công Nghệ Thông Tin trường Đại Học Bách Khoa, nếu có tấm bằng N2 và FE (hoặc IP, AP, SG) khi ra trường, thì đã có trong tay 50 điểm (hoặc 55 điểm nếu có 2 bằng CNTT). Với vị trí xuất phát như vậy, thì việc đạt được 70 điểm sau 3 năm là hoàn toàn khả thi, và gần như chắc chắn sẽ nắm trong tay visa vĩnh trú sau 5 năm làm việc tại Nhật (vì sau khoảng thời gian này còn khá nhiều mục cộng điểm nữa).

Trong các mục trên, ngoài các mục hiển nhiên như tuổi tác, trường học, thì điểm dễ kiếm nhất là 10 điểm từ các chứng chỉ Công Nghệ Thông Tin (trong đó có IP, FE, AP, SG) được công nhận bởi Nhật Bản. 

Tại Việt Nam, các chứng chỉ IP, FE, AP được cấp bởi VITEC trước đây hiện bây giờ là HITC – thành viên hội đồng chuyên môn về sát hạch CNTT (ITPEC). Đối với một sinh viên tốt nghiệp khoa CNTT, thì việc ôn thi và đạt được chứng chỉ IP, FE là rất đơn giản. Chính vì vậy, đối với những bạn có mong muốn làm việc dài hạn, hoặc thậm chí là sinh sống tại Nhật Bản, thì tham dự các kỳ thi do HITC tổ chức chính là cơ hội để các bạn có thể giành 10 điểm một cách dễ dàng, từ đó tiến gần hơn đến tấm visa HSP.

Km 29 Đại Lộ Thăng Long Hà Nội
info@hitc.org.vn
0904117577